Thanh-Nhac Forum
Thanh-Nhac Forum
Home | Profile | Active Topics | Forum Rules | Members | Private Messages | Search | Hỏi - Đáp
Username:
Password:
Save Password
Forgot your Password?

 All Forums
 B. Chọn Bài Hát & Tìm Bài Hát
 Bộ Lễ
 Tìm Hiểu Lịch Sử Và Những Thay Đổi Trong Bộ Lễ, 4
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Author Previous Topic Topic Next Topic  

Trantrungtruc

Others
570 Posts

Posted - 06/11/09 :  21:22  Show Profile  Email Poster Send Trantrungtruc a Private Message  Reply with Quote
Credo, Tôi Tin Kính (tiếp theo)

Chuyện kể 3:


Một chi tiết "rất nhỏ" mà chúng ta thấy, đã được các nhà thần học Việt Nam không ngừng bàn luận . Đó là cách đọc chữ "cùng" trong câu tuyên xưng Chúa Thánh Thần của người Việt Nam. Nguyên văn bản dịch Kinh Tin Kính trong sách lễ cũ là như sau:

"Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra . Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con..."


Thói quen ở các nhà thờ Việt Nam nhất là ở những xứ đạo có cả những giọng "tam ca ba miền: Bắc –Trung- Nam" thì lại hay đọc chữ "cùng " thành chữ " cũng " . Như vậy là sai với thần học !!! Ở chỗ nào ? Xin các bạn đọc tiếp bản dịch mới (2006) đã được đổi lại cho đúng như sau:

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con ...”


Như vậy thì sẽ đúng với thần học hơn !!!!

(Thú thật với các bạn, nhà em thấy cả hai câu trên "cũng" đều ... như nhau. Còn đọc và hát như thế thì tại sao là sai thần học thì em cũng chỉ biết "lấy đức tin bù lại" mà thôi ).

Tuy nhiên khi được đọc những lời nhận xét của cố linh mục Giuse Ðỗ Văn Lực, O.P. [15] trong bài viết Nhìn Lại " Nghi Thức Thánh Lễ 2006" trên báo Giáo Sĩ Việt Nam thì em cũng đã hiểu tại sao các ngài quan tâm . Xin trích dẫn nguyên văn bài viết của ngài để chúng ta cùng học hỏi thêm:

" Cùng hay Cũng ? Bao nhiêu năm chúng tôi đã cố gắng sửa sai cho cộng đoàn Dân Chúa về một số từ trong Kinh Tin Kính, nhưng không thành công. Nhờ sự sắp đặt khéo léo của Ban Phụng Tự HÐGMVN, chúng tôi chẳng cần phải nhắc nhở cộng đoàn về cách đọc Kinh Tin Kính nữa.

Trong bản dịch cũ, khi đọc Kinh Tin Kính, chúng ta rất khó đọc đúng về Chúa Thánh Thần. Làm sao phân biệt được “cũng” và “cùng” trong câu : “Người cùng được phụng thờ” ? Thường cộng đoàn đọc “Người CŨNG được phụng thờ.” Lý do vì tất cả những chữ đều thuộc loại trầm bình thanh. Người ta có khuynh hướng đọc “cùng” ra “cũng” vì không thể giữ lâu nhiều âm trong cổ họng. Hơn nữa, đọc như thế, chúng ta đã hạ giá Chúa Thánh Thần xuống dưới Chúa Cha và Chúa Con rồi. Vô tình “rối đạo” mà không hay !

Bây giờ, NTTL đã đặt chữ “cùng” đó lại đằng sau, nên cộng đoàn đọc rất đúng. Ðây là nguyên văn : “Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con.” Trước và sau chữ “cùng,” các chữ đều không thuộc loại trầm bình thanh. Thế nên, nó vẫn giữ nguyên tính chất và được đọc lên dễ dàng. Hơn nữa, vị trí của chữ “cùng” đi với chữ “với” như hai giới từ ghép theo luật bằng trắc rất tự nhiên."
[16]

Chuyện kể 4:


Khi nghiên cứu về đoạn kinh này trong Kinh Tin Kính, chúng ta được biết thêm là "cũng" chính vì câu này mà trong Kitô Giáo đã hiểu lầm nhau, bị lợi dụng và rồi bị chia rẽ . Vì nhóm GH Đông Phương đã đổ tội cho GH Công Giáo Rôma là cố tình thay đổi Kinh Tin Kính . Giáo Hội Tây Phương thì nói là họ đâu có thay đổi đâu !

- Yes you did !
- No I didn’t .
- Yes you did !
- No I didn’t !

Cứ như vậy mà hai bên cãi nhau, đổ lỗi cho nhau . Tới thế kỷ thứ 10, năm 1045, chịu không nổi nữa, GH Đông Phương đã sách gói ra đi. Thôi chia tay từ đây, đường ai nấy đi và từ đó, họ không còn muốn phục tòng quyền ĐGH ở Rôma nữa .

Câu chuyện ly dị này cũng khá phức tạp . Tôi xin cố gắng kể lại khúc ngặt lịch sử rất đáng buồn này cho các bạn nghe.

Như chúng ta đã biết, khoảng đầu thế kỷ thứ ba, GH đã phải đương đầu với một tên phản động khá nổi tiếng, đó là Ario . Ông là nhà giảng thuyết rất hấp dẫn, người Syria, đã đi các xứ đạo giảng cấm phòng rằng: Chúa Giêsu, mặc dầu là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã được Thiên Chúa Cha dựng nên . Bởi thế, cho nên, rằng thì là, cũng có lúc Ngài đã không ... bằng Thiên Chúa . Do đó Ngài dưới quyền Đức Chúa Cha . Kiểu giảng mấy ngày tĩnh tâm này làm nhiều người nao núng và "nòng động nòng no" tin theo . Chẳng bao lâu đã trở thành phong trào, nhiều người được ơn nói tiếng ... lạ, không phải từ Chúa Thánh Linh, mà là từ bè rối Ario, vì đã chạy theo họ, nói những chuyện lạ đời, lạ đạo . Họ đã hướng dẫn các tín hữu đi ngược lại với giáo huấn của GH về Thiên Chúa Ba Ngôi và về Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô . [17]

Bởi thế năm 325, GH đã phải triệu tập Công Đồng chung tại Nicea để đặt ra Kinh Tin Kính, để xác định rõ những tín điều đích thực của GH dạy . Lúc đó, GH chỉ nghĩ, Kinh đã dài, kết thúc bằng câu: Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là đủ . [18]

Ấy thế mà chẳng bao lâu sau đó, có nhiều ca trưởng tự nhận mình "giỏi", tự vỗ ngực là mình hay, chê người khác dở, đã tự tiện, tự biên, tự diễn, "chế" thêm Kinh Tin Kính những câu đi xa với bản gốc của Công Đồng Nicea . Tự điển bách khoa The Catholic Encyclopedia đã nói ít nhất là có 4 văn bản khác nhau về Kinh Tin Kính lưu hành lúc đó.( Theo bản tường trình trước Hội Nghị Sardica năm 341). [19]

Để thống nhất và để có chỉ thị và qui luật rõ ràng, năm 381, Công Đồng Constantinople đã họp để bổ túc, viết lại Kinh Tin Kính Nicea cho rõ ràng hơn, bằng ngôn ngữ chính thức của GH thời đó ở Constantinople là tiếng Hy Lạp . Gần 50 năm sau, Công Đồng Epheso họp năm 431, tổng duyệt lại bản văn Kinh Tin Kính này bằng tiếng Hy Lạp một lần nữa, và trong giáo luật điều 7 của Công Đồng Ephesô đã nói rằng cấm ngặt không một ai được phép đề nghị, thay đổi, viết lại hay soạn lại Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea – Constantinople này

Nhưng thời gian, hoàn cảnh và thực tế cũng làm đổi thay lòng người.

Các sử gia kể rằng, khi thành Giêrusalem bị quân giải phóng miền bắc phá tan sau này, thì “bộ não “ của GH cũng phải chạy di tản về những vùng kinh tế mới, điển hình là về Antiochia và Alexandria . Ở đây GH đã có được những nhà thần học, các thánh Tổ Phụ rất thông thái, can đảm viết những bài thần học biện hộ cho GH . [20]

Bên thành Roma thì thiên về hành chánh nhiều hơn là viết thần học . Nhưng dân số Kitô hữu ở đây lại đông hơn. Và họ nói tiếng La Tinh chứ không phải là Hy Lạp. Sau nhiều cuộc chiến tranh và li tán, những người nói thông thạo hai thứ tiếng Hy Lạp và La Tinh ít dần, bởi thế GH tại Roma đã phải nghĩ đến chuyện dịch Kinh Tin Kính sang tiếng La Tinh cho dân Tây Phương này thưa kinh.

Và đây đã chính là mối tội đầu .

Trong Kinh Tin Kính bằng tiếng Hy Lạp thì chỉ có câu:

"Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người bởi Đức Chúa Cha mà ra ."


Khi dịch sang tiếng Latinh thì bản văn lại viết là :

Et in Spiritum Sanctum, Dominium et vivificatem: Qui ex Patre Filioque procedit.


Có nghĩa là:

"Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra ."


Bản tiếng Hylạp không có chữ Filioque, "và Đức Chúa Con" . Chuyện chỉ có vậy ! [21]

Nhưng qua bao thế kỷ bề ngoài thì bên nói tiếng Hy Lạp vẫn đọc làu làu bằng tiếng Hy Lạp, dân nói tiếng La Tinh thì vẫn thưa câu kinh có chữ Filioque. Nhưng trong nội bộ, vấn đề đã bị nhà nước lợi dụng, dùng chiêu bài bảo vệ tôn giáo để gây chia rẽ những vùng nói tiếng khác nhau . Thời nào cũng vậy, lý do duy nhất và dễ nhất để có thể tẩy chay, bắt giữ hay giam tù một giáo sĩ hay giáo dân là cứ chụp mũ họ là phản động, là bè rối, là tay sai, là đi nghịch lại với an ninh và đường hướng chung của nhà nước và giáo hội .

Năm 867, Đức Thượng Phụ Photios I của thành Constantinople đã công khai cho chữ Filioque này là chữ của phản động, là rối đạo, và đổ thừa cho GH Tây Phương là đã đi sai tín điều mà GH đã xác định trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea – Constantinople.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu để biết thêm chi tiết về những vấn đề thánh kinh, thần học chung quanh biến cố tháng tư đen này, các bạn chỉ cần tham khảo những chữ East-West Schism, Filioque, ... trên Google là rõ. [22]

Sự cắt nghĩa khác biệt của hai bên chắc chắn không hề thay đổi bản tính của Thiên Chúa Ba Ngôi,hay thay đổi Thiên Chúa mà mọi người tôn thờ, nhưng nó đã là lý do để Kitô Giáo bị chia rẽ .

Cho đến ngày nay cũng đã có nhiều cố gắng từ hai bên muốn hoà giải để nối kết lại với nhau, nhưng vì có những lý do đã quá phức tạp như quyền bính, chính trị, ngôn ngữ, văn hoá và rất nhiều truyền thống phụng vụ khác nhau mà hai bên vẫn còn đứng hai bên cầu biên giới, còn ca bài ngàn trùng xa cách.

Chuyện kể 5:


Khi đi tìm tài liệu viết loạt bài này, tình cờ tôi có đọc được đoạn sách này trong cuốn Tiến Trình Thánh Ca Việt Nam qua Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh của nhạc sư Nguyễn Khắc Xuyên, tiến sĩ Thần Học (Nguyên là linh mục nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên, tác giả của khoảng 30 bài thánh ca, có những bài rất nổi tiếng đi sâu vào tâm tình người Công Giáo Việt nam như Trên Con Đường về Quê, Lạy Mẹ xin yên ủi, Sống gần Mẹ , … Sách do nhà xuất bản Zieleks (Ziên Hồng) phát hành tại Texas, Hoa Kỳ năm 1991) . Trong trang 40-41, tác giả có nói đến hiện tượng Cha Già Vượng và Kinh Tin Kính . Xin trích lại một đoạn để bạn đọc được biết thêm về hoàn cảnh lịch sử của nền Thánh Nhạc Việt Nam trên đất nước mình, thời giữa thế kỷ 20, thời mà chưa được hát tiếng Việt trong Thánh Lễ, và không có nhiều phương tiện hay nhạc sĩ sáng tác thánh ca để giáo dân Việt Nam hát . Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên đã gọi đó là: “Một cơn đói ghê rợn, một hạn hán rộng lớn đã bắt đầu xẩy ra giữa cộng đồng giáo dân .” :

"Hiện tượng Cha Già Vượng


Chúng tôi nói hiện tượng là vì thế này . Vào năm 1943 hay 1944, có một linh mục lão thành xấp xỉ thất tuần [70 tuổi], một mình đã cho ấn hành một loạt chừng 10 cuốn ca thánh, mỗi cuốn chừng trên dưới 20 bài, và như vậy trong thời gian chừng trên dưới hai năm . Chúng tôi không còn nhớ nhan đề bộ sách này là gì, chỉ nhớ là người ta đã gọi vắn tắt là sách hát Cha Già Vượng, cha xứ nhà thờ thành phố Nam Định .

Khổ sách khá lớn, thuộc loại 22x18 . Hình như không khắc bản gỗ mà là một lối in gần như rô-nê-ô . Bìa sách không có trang trí, nội dung cũng vậy . Thật là món ăn tinh thần đơn sơ mộc mạc, nhưng hậu quả thì quá sự mong mỏi, bởi vì sách bán chạy như tôm tươi . Người ta náo nức mua cho được . Chúng tôi không biết ở các địa phận khác thế nào chứ trong địa phận Hà Nội, đâu đâu người ta cũng hát các bài của Cha Già Vượng, bộ sách đã phải tái bản ít ra một lần trong một thời gian ngắn ...

Bởi đâu mà có một nhiệt tình hăm hở đến thế . Theo chúng tôi thì đây là một đòi hỏi . Như trên chúng tôi đã trình bày, một đàng các nghi lễ đều làm bằng tiếng La-tinh với chủ tế trên bàn thờ, và đàng khác về phía giáo dân, chỉ biết đọc kinh, ngắm lễ, chứ việc hát lời kinh, cảm xúc thì chưa có, ngoại trừ những ca vãn dâng hoa . Cho tới nay, các bài hát đều là bài hát tiếng La-tinh, chiếu theo qui luật Giao-hội, còn giáo dân thì chưa được dùng tiếng mẹ đẻ của mình để ca ngợi Chúa, ca ngợi các thánh .

Một cơn đói ghê rợn, một hạn hán rộng lớn đã bắt đầu xẩy ra giữa cộng đồng giáo dân . Thế là đã đến một trận mưa rào, một vụ được mùa lớn lao . Thực ra linh mục lão thành không sáng tác bản nhạc, cha chỉ dùng các điệu nhạc ngoại lai đó, có đủ thứ, từ các bài hát tiếng La-tinh cho tới các bài tiếng Pháp và sau khi không còn hai loại này nữa thì cha dùng các bài hát cổ truyền Việt Nam, từ lưu thuỷ đến hành vân, từ điệu nam ai tới hát hò .

Chúng tôi không có tài liệu trong tay, chỉ nhớ đôi ba bài, thí dụ bài kinh tin kính . Bài này cha lấy ở bộ lễ, thường gọi là bộ lễ của Henri du Mont, không thuộc bình ca chính thức . Trong cuốn Paroissien Romain có nói ở trên, người ta cho in ở phần cuối sách, nghĩa là ở rìa bộ sách và để cho người ta sử dụng (Ad libitum, Messe Royale de Henri du Mont) . Đây là kinh tin kính:



Và cứ thế, cha đã cho hát kinh này theo điệu La-tinh khá quen thuộc."
(trg 40-41) [23]

(còn tiếp)
----------------------

Chú thích:


[15] LM Giuse Đỗ Văn Lực, OP, vừa tạ thế ngày 29/05/2009 tại Houston, Texas . Xem tin Phân Ưu: http://vietcatholic.net/News/Html/67820.htm

[16] http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=725

[17] Bè rối Ario: http://www.newadvent.org/cathen/01718a.htm

[18] The Nicene Creed: http://www.newadvent.org/cathen/11049a.htm

[19] Creed: http://www.newadvent.org/cathen/04478a.htm

[20] Guide to Early Church Documents:
http://www.newadvent.org/fathers/
http://www.iclnet.org/pub/resources/christian-history.html#creeds

[21] The Filioque clause:
http://www.newadvent.org/cathen/06073a.htm
http://www.iclnet.org/pub/resources/text/history/creed.filioque.txt

[22] Schism:
http://www.newadvent.org/cathen/13529a.htm

[23] “Tiến Trình Thánh Ca Việt Nam qua Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh” - nhạc sư Nguyễn Khắc Xuyên, tiến sĩ Thần Học . Sách do nhà xuất bản Zieleks (Ziên Hồng) phát hành tại Texas, Hoa Kỳ năm 1991 .

Trần Ngọc Đăng

[email protected]

Edited by - Trantrungtruc on 12/06/15 19:56
  Previous Topic Topic Next Topic  
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Jump To:
Thanh-Nhac Forum © calendi.com Go To Top Of Page
Powered By: Snitz Forums 2000 Version 3.4.05