Thanh-Nhac Forum
Thanh-Nhac Forum
Home | Profile | Active Topics | Forum Rules | Members | Private Messages | Search | Hỏi - Đ�p
 All Forums
 C. Thánh Nhạc, Ca Đoàn
 C1. Thánh Nhạc
 Ca hát trong Thánh Lễ

Note: You must be registered in order to post a reply.

Screensize:
UserName:
Password:
Format Mode:
Format: BoldItalicizedUnderlineStrikethrough Align LeftCenteredAlign Right Horizontal Rule Insert HyperlinkInsert EmailInsert Image Insert CodeInsert QuoteInsert List
   
Message:

* HTML is OFF
* Forum Code is ON
Smilies
Smile [:)] Big Smile [:D] Cool [8D] Blush [:I]
Tongue [:P] Evil [):] Wink [;)] Clown [:o)]
Black Eye [B)] Eight Ball [8] Frown [:(] Shy [8)]
Shocked [:0] Angry [:(!] Dead [xx(] Sleepy [|)]
Kisses [:X] Approve [^] Disapprove [V] Question [?]

VietTyping off VIQR mode VNI mode Telex mode
 
   

T O P I C    R E V I E W
Kami Posted - 04/27/04 : 14:15
VietCatholic News (Thứ Bẩy 24/4/2004)

CA HÁT TRONG THÁNH LỄ

Ca hát là một nhu cầu cần thiết và chính đáng trong thánh lễ. Thường có lễ là hát. Hát nhiều hay ít là tùy cấp bậc của lễ. Huấn thị De musica in sacra liturgia (Về âm nhạc trong phụng vụ ngày 5.3.1967) từ số 27-31 viết: “Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức lễ hát hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày. Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc như đã ấn định trong huấn thị năm 1958 số 3, chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành. Tuy nhiên, vì lý do lợi ích mục vụ, có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, ngõ hầu từ nay về sau, mỗi cộng đoàn, tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ trọng thể hơn nhờ ca hát.

Cách sử dụng các cấp bậc tham gia được qui định như sau. Bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và bậc ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ.

Bậc nhất gồm có :

Trong nghi thức nhập lễ :

- Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân
- Lời nguyện

* Trong phần phụng vụ Lời Chúa

- Các câu tung hô Tin Mừng

* Trong phần phụng vụ Thánh Thể

- Lời nguyện tiến lễ
- Kinh Tiền tụng với những câu đối đáp và Kinh Thánh Thánh Thánh
- Lời ca tụng kết Kinh Tạ ơn
- Kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp
- Lời chúc bình an
- Lời nguyện hiệp lễ
- Những công thức kết lễ

Bậc hai gồm :

- Kinh Xin Chúa thương xót, Kinh Vinh danh và Lạy Chiên Thiên Chúa
- Kinh Tin kính
- Lời nguyện giáo dân

Bậc ba gồm :

- Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ
- Bài hát sau bài Cựu Ước hoặc Thánh thư Ha-lê-lui-a trước khi đọc Tin Mừng
- Bài hát tiến lễ
- Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn là hát.

Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách Graduale. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của Đấng Bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ và ngày lễ cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca trong những bài hát đó.

Cộng đoàn tín hữu nên hết sức tham gia phần riêng lễ. Điều ấy có thể thực hiện được, nhất là khi có những điệp khúc dễ hát và những hình thức âm nhạc thích hợp.

Như vậy, qua mấy số vừa trích dẫn trong Huấn thị Âm nhạc trong phụng vụ, đã rõ là Hội thánh khuyến khích việc ca hát trong thánh lễ và đặt ra những cấp bậc và luật lệ trong vấn đề này. Sở dĩ như thế vì ca hát trong thánh lễ là một vấn đề thuộc phụng vụ. Mà phụng vụ là việc thờ phượng có những luật riêng được qui định cho những người có bổn phận phải thi hành. Bởi vậy không lạ gì khi có nhiều người, và ngay cả linh mục nữa, cho rằng hát xướng trong nhà thờ theo luật của Hội thánh là ngặt nghèo và chặt chẽ quá. Đúng vậy. Nhưng nếu suy nghĩ thêm và hiểu cho kỹ thì không phải như thế, vì phụng vụ ca hát có một chức năng rất cao quý là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Chức năng này lại rất đòi hỏi, đòi hỏi dòng nhạc phải có nghệ thuật, lời ca và phong cách diễn đạt phải thánh thiện, bài ca phải được công nhận là hay ở mọi thời và khắp nơi. Những ai nghiên cứu hay theo dõi phụng vụ ca hát một chút, thì không còn xa lạ gì với những đòi hỏi này được cô đọng trong tiếng la-tinh qua những chữ bonitas formae, sanctitas và universalitas.

Người ta lại còn nói rằng Công đồng Va-ti-ca-nô II rất cởi mở phóng khoáng về nhiều mặt. Thế mà mấy ông trong Ban Thánh nhạc giáo phận bắt phải theo những luật cũ, cho ra đời những bài hát nghe buồn thiu trên báo Hát lên mừng Chúa, tổ chức những buổi hát thánh ca tuy có quy mô và vĩ đại vào những dịp lễ Giáng sinh hàng năm ở nhà thờ Đức Ba hay một vài nơi nào khác, nhưng đó là những buổi hát dành cho người già quá nghiêm túc... Thành ra, phần đông người ta vẫn còn xa Ban Thánh nhạc. Những chủ trương và hoạt động của Ban không được người ta biết đến hay không muốn biết đến.

Phải chi những người nghĩ và nói như thế đã có dịp dự một buổi hát kinh chiều hàng ngày ở nhà thờ Notre Dame de Paris, giữa những người tới tham dự và ban hát riêng của nhà thờ này gọi là MaItrise de la Cathédrale. Phải chi những người đó cũng đã đọc các tạp chí về phụng vụ và thánh nhạc soạn sau Công đồng Va-ti-ca-nô II như Notitiae, Célébrer, Maison-Dieu, Eglise qui chante, Choristes, Ancoli, Signes d’aujourd’hui, Signes Musique v.v... Phải chi những người đó cũng dự lễ và nghe hát trong nhà thờ ở những nước ngoài bên Âu Mỹ, hay các buổi hát cầu nguyện của những người trẻ ở khắp nơi trên thế giới tụ họp trong nhà thờ hòa giải ở Taizé, một làng nhỏ gần tỉnh Mâcon bên Pháp, được thu lại trong ba cuốn cassette đề là Come worship the Lord, Jubilate Deo, Cantate Domino, thì họ sẽ thấy rằng phụng vụ ca hát của Hội thánh không thay đổi bao nhiêu so với trước kia, trừ ra được hát bằng tiếng bản quốc thay tiếng la-tinh, được dùng nhạc cụ rộng rãi hơn với những điều kiện rõ rệt. Ngay như trong một tài liệu thánh nhạc ngày 5.11.1987 nói về vấn đề hòa nhạc trong các thánh đường vẫn còn những điều như sau :


* “Nhạc công và thính giả phải ăn mặc và đi đứng cho xứng hợp với nơi thiêng thánh.
* Các nhạc sĩ và ca sĩ phải tránh chiếm cung thánh. Phải hết sức tỏ lòng tôn kính bàn thờ, giảng đài và ghế của vị chủ tọa.
* Phải cất Mình Thánh Chúa đi nơi khác.
* Phải có lời giới thiệu trình bày nhạc phẩm sắp trình diễn không nguyên về phương diện lịch sử nghệ thuật mà thôi, nhưng còn về phương diện tâm linh nữa, để thính giả có thể hiểu kỹ hơn và tham dự thấm thía hơn.”


Xem đấy, xưa cũng như nay, Hội thánh luôn có những luật lệ về phụng vụ ca hát. Dù cởi mở hay thích nghi, Hội thánh vẫn đặt vấn đề đàn hát vào đúng vị trí và giá trị của nó, như thấy biểu lộ trong thông điệp gửi các nghệ sĩ ngày 8.12.1965 dưới đây :

“Nếu đặt thánh nhạc hay nhạc đạo vào đúng vị trí và giá trị của nó, các nhạc sĩ Ki-tô giáo và các thành viên trong các “Scholae cantorum” sẽ cảm thấy được an ủi khi theo đuổi truyền thống này, và cố giữ cho nó được sống động để phục vụ đức tin, như lời Công đồng Va-ti-ca-nô II mời gọi : “Các bạn đừng từ chối đem tài năng của mình ra để phục vụ chân lý của Chúa. Thế giới chúng ta đang sống cần phải có cái đẹp để khỏi rơi vào thất vọng. Cái đẹp cũng như chân lý làm cho lòng người vui tươi phấn khởi. Và điều đó, sở dĩ có được cũng là nhờ ở bàn tay của các bạn.”

Khi nói đến phụng vụ ca hát là có ý nói riêng đến việc hát trong thánh lễ, trong các giờ kinh phụng vụ hay trong khi cử hành các bí tích, vì theo đúng nghĩa, chỉ những bài hát dùng trong ba địa hạt này mới gọi là phụng vụ. Mà vì là phụng vụ nên phải giữ những qui tắc về phụng vụ, nghĩa là lời trong các bài hát đó thường phải là lời Kinh thánh hay phụng vụ, những bài hát phải đặt vào đúng vị trí và theo hình thể tương xứng như đối ca, đáp ca, thánh thi, ngâm vịnh, xướng đáp, tung hô v.v...

Về các hình thể, ở Việt Nam hiện nay hơi khó vì phần đông các nhạc sĩ mới chỉ sáng tác ca khúc thôi còn về các hình thể khác, hoặc chưa có hoặc quá ít. Về lời Kinh thánh và phụng vụ cũng vậy. Sách lễ mới cho giáo dân chưa có, trong khi sách lễ cũ không có đủ, bản văn Kinh thánh cũng mới phát hành rộng rãi gần đây thôi. Đàng khác các nhạc sĩ quen sáng tác theo cảm hứng mà ít dựa vào lời Kinh thánh hay phụng vụ để viết nhạc, vì dựa vào bản văn, họ cho là gò bó và khó hay, đang khi một trong những đòi hỏi căn bản của nhạc phụng vụ là lời phải là lời Chúa và khi hát lên phải được nghe rõ, đồng thời lời phải được đặt ở bên trên nhạc. Có nhạc sĩ cho như thế là giết chết nhạc, nhưng thực ra nhạc phải phục vụ lời trong phụng vụ. Trong bài hát phụng vụ, lời mới là chính, chứ không phải nhạc, vì vậy người ta mới kêu nhạc phụng vụ buồn là thế. Nhưng cũng tùy, một nhạc sĩ tài ba vẫn có thể đặt nhạc vào một bài thánh vịnh, một thánh thi đã có lời sẵn tuy khó mà vẫn hay cũng như một nhà văn, nhà thơ có tài có thể đặt lời vào một bản nhạc viết sẵn mà vẫn hay được. Có điều muốn dệt nhạc vào lời Kinh thánh phụng vụ theo các nhịp điệu tân thời bây giờ thì thật là khó và không hợp. Đàng khác theo ĐHY Villot Cựu quốc vụ khanh trong thư gửi Đại hội Thánh nhạc Ý đăng trên Osservatore romano số 39 thì phải để các hình thức nhạc Jazz ra ngoài phụng vụ, như người viết : “Phải cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí có tính thế tục, đặc biệt những bài hát kích động, gay cấn, rùm beng, làm náo động khung cảnh thanh lịch của nghi thức phụng vụ. Những thứ nhạc đó không thể nào xứng hợp với mục đích cao cả của phụng vụ là thánh hóa con người.”

Thường người ta chưa phân biệt rõ thánh ca phụng vụ với thánh ca nói chung, đành rằng thánh ca hiện nay bao gồm nhiều thứ như ca khúc bình dân tôn giáo, nhạc có khởi hứng và tâm tình đạo, nhạc đa âm hợp xướng, nhạc phụng vụ. Các loại nhạc thánh ca khác có thể được hát trong nhà thờ ngoài khung cảnh phụng vụ mà chưa chắc đã được hát trong thánh lễ, vì muốn được hát trong thánh lễ thì những bài đó phải hợp với phụng vụ, nghĩa là lời rút ra từ các bản văn Kinh thánh và phụng vụ, đã được Hội thánh chọn lọc, lại phải hợp với phần đoạn của thánh lễ, ví dụ đem bài hát về Đức Mẹ hay kính các thánh mà hát vào lúc rước lễ hay sau khi rước lễ là không hợp rồi. Ngoài ra đưa những bài đời đặt lời đạo vào để hát trong nhà thờ cũng không được, vì những bài đó không được viết ra để dùng trong nhà thờ, do đó hoàn toàn xa lạ với mục đích thờ phượng.

Nhiều nơi đã đưa vào hát trong nhà thờ các bài Wedding, One day, Hymne à la joie, Uống nước nhớ nguồn, Ơn nghĩa sinh thành, v.v. .. Hát trong nhà thờ thì chắc chắn là không được rồi, có chăng là hát tại lễ gia tiên ở nhà hay ở các phòng lễ hội cho vui chứ không phải ở nhà thờ.

Phần II :CÁC BẢN VĂN VÀ CÁC BÀI HÁT DÙNG TRONG THÁNH LỄ

A. Các bản văn

1. Cố định

Có hai loại bản văn dùng trong thánh lễ, một loại cố định còn một loại có thể thích nghi, uyển chuyển. Loại cố định là lời văn trong Kinh Thương xót, Vinh danh, Tin kính, Thánh Thánh Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa, Lời tiền tụng, Kinh Lạy Cha, Kinh nguyện Thánh Thể, các câu tung hô xướng đáp. Lời văn của những kinh này không được thay đổi mà phải theo bản dịch chính thức đã được Hội Đồng Giám mục một nước hay một miền chuẩn nhận và Tòa thánh châu phê. Huấn thị thứ ba số 3 viết : “Riêng đối với nghi thức thánh lễ, phải đặc biệt tôn trọng. Trong các bản dịch chính thức, tuyệt đối cấm thay đổi các công thức trong nghi thức dù với lý do phải thay đổi cho dễ dệt nhạc.”

2. Uyển chuyển

Những bản văn này không buộc phải theo sát hoàn toàn. Đó là các bài ca nhập lễ và hiệp lễ. Vì những bản văn này không nhằm để hát, nên đôi khi không tiện dệt nhạc. Vì thế các nhạc sĩ có thể thay đổi năm ba chữ hay thay đổi thứ tự, miễn là không sai ý nghĩa, hoặc cũng có thể lấy ý đặt ra một bản văn khác hay dùng một bài tương đương để thay thế. Huấn thị thứ ba số 3 nói thêm : “Có thể dùng các đối ca nhập lễ, hiệp lễ lấy trong sách Graduale Romanum hay sách Graduale simplex, sách lễ Rô-ma hay trong các ca mục đã được Hội Đồng Giám mục chấp nhận. Khi chọn các bài để hát trong thánh lễ, Hội Đồng Giám mục không những phải lưu ý xem những bài đó có hợp với mùa phụng vụ, với hoàn cảnh cử hành phụng vụ hay không mà còn phải lưu ý đến nhu cầu của giáo dân sử dụng các bài hát đó nữa.”

Phải hết sức cổ võ cho dân chúng hát, dù dưới những hình thức mới thích hợp với hồn dân tộc và não trạng của người thời nay. Các Hội Đồng Giám mục sẽ cho làm một tuyển tập các bài hát để dùng cho các nhóm riêng như thanh niên hay nhi đồng, nhưng phải liệu sao cho lời ca, âm nhạc, nhịp điệu và nhạc khí phù hợp với vẻ trang trọng và thánh thiện của nơi thờ phượng và việc thờ phượng.

Mặc dù Hội thánh không gạt ra ngoài phụng vụ một loại thánh ca nào, nhưng phải nhận rằng mọi thứ âm nhạc, bài hát hay nhạc khí không phải thứ nào cũng thích hợp để nuôi dưỡng lời cầu nguyện và diễn tả mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Vì mục đích của những thứ đó là đưa người ta tới chỗ thờ phượng Chúa nên âm nhạc phải hay, lời ca phải thánh thiện, lại phù hợp với tinh thần phụng vụ và bản tính của mỗi phần trong phụng vụ. Nói tóm lại, tất cả những thứ đó không được gây cản trở cho cộng đoàn tích cực tham gia phụng vụ và phải hướng lòng trí người ta về các mầu nhiệm đang cử hành.”

B. Các bài hát

Các bài hát trong thánh lễ là ca nhập lễ, bộ lễ, dâng lễ, hiệp lễ và kết lễ. Thường trong các nhà thờ của chúng ta vẫn thấy làm như thế. Có điều phải nói là quá ồn ào, bài hát chọn lựa không được kỹ cho đúng với tinh thần của mùa phụng vụ và các phần đoạn của thánh lễ. Sở dĩ như vậy vì những người lo việc ca hát chưa được nghe nói về thánh lễ và nhạc phụng vụ cho đủ, lại thiếu các bài hát được soạn để hát trong nhà thờ cho đúng với phụng vụ, hay có mà vì người có trách nhiệm chiều theo thị hiếu dễ dãi, không đòi hỏi, thích vui nhộn của ca viên, của giới trẻ nên đành bỏ qua.

Rồi còn đàn nữa ! Những người chơi đàn trong các nhà thờ hiện nay hầu hết dùng đàn điện tử, thường mở âm lượng cực lớn và chơi những điệu nhạc đời đã làm sẵn. Đến nhà thờ trong một khung cảnh như vậy thật là khó cầu nguyện. Điều đáng ngại là phần đông tín hữu tới nhà thờ trong một quang cảnh như thế : bài hát thì tùy tiện, đàn trống thì inh ỏi mà không mấy ai thấy vấn đề hay đặt vấn đề gì cả ! Chúng ta có nhiệm vụ giáo dục đức tin chứ không phải chiều theo thị hiếu. Về điểm này, chương II trong Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma về Cơ cấu thánh lễ, các yếu tố và thành phần của thánh lễ từ trang

21-34, nhất là mục III về Từng phần của thánh lễ trang 25 có thể soi sáng cho chúng ta rất nhiều.

1. Ca nhập lễ

Mục đích của bài ca này là mở đầu thánh lễ, tạo bầu khí phấn khởi, cho thấy ý nghĩa của mùa phụng vụ hay ngày lễ. Lý tưởng là cả nhà thờ cùng hát, nhất là khi có rước chủ tế ra hành lễ. Nên chọn bài hát phổ thông để mọi người có thể cùng hát. Về cách hát thì có thể hát theo ba cách.

Cách thứ nhất là ca đoàn và cộng đoàn; cách thứ hai là một xướng ca viên và cộng đoàn; cách thứ ba là toàn thể cộng đoàn. Nhưng thực tế thì xem ra người ta hay có thói quen để cho một mình ca đoàn hát.

2. Kinh Thương xót

Đây là một bài hát xưng tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Hình thức xứng hợp nhất để hát kinh này là xướng đáp. Một người hay ca đoàn xướng rồi mọi người trong cộng đoàn đáp lại. Lối xướng đáp ở đây có tính tung hô, nên phải đơn sơ dễ hát.

3. Kinh Vinh danh

Bản chất của bài này là ca tụng vinh quang Chúa Ba Ngôi. Đây là một bài thánh thi bằng văn xuôi có nhịp điệu, nên phải hát thế nào để biểu lộ được niềm hân hoan và mối đồng tâm của những người tham dự. Vì thế có thể hát chung với nhau hay chia làm hai bên luân phiên nhau, giữa ca đoàn với cộng đoàn hay giữa hai bên cộng đoàn với nhau.

4. Thánh vịnh đáp ca

Đây là phần hát cần phải điều chỉnh hơn cả, vì thường ca trưởng cũng như ca viên hay lấy bất cứ bài nào họ thích để điền vào chỗ này, hay chọn một bài hát về vị thánh kính ngày hôm đó để hát ở đây. Làm như thế chẳng khác gì như “ông nói gà, bà nói vịt” vậy, vì Chúa nói một đường, mình đáp lại một nẻo. Chúa nói trong bài đọc 1. Hội thánh đã xem những bài đó và tìm ra những đoạn thánh vịnh tương ứng đặt trong bài đáp ca. Có lẽ khi chọn bài hát, người chọn không để ý đến điểm này. Hiện nay đã có một số thánh vịnh đáp ca như của l.m. Kim Long, l.m. Nguyễn Hữu Phú, nhạc sĩ Minh Tâm và nữ nhạc sĩ Hải Triều. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều thánh vịnh đáp ca được viết đúng theo quy cách để dùng trong phụng vụ.

Người hát thánh vịnh đáp ca nên đứng ở giảng đài quay xuống cộng đoàn hát các câu riêng, còn câu đáp để cho cả nhà thờ hát. Vì muốn cho cả nhà thờ hát nên các câu đáp phải làm thật vắn gọn và dễ hát, chỉ cần tập vài phút trước lễ là mọi người có thể hát được. Câu này đã có sẵn trong bài đáp ca; các nhạc sĩ chỉ cần dệt nhạc vào thôi. Nên làm thế nào cho cả nhà thờ hát được câu đáp, thì bầu khí tham dự sẽ khác hẳn lên. Trong tạp chí Maison - Dieu số 80 trang 71, cha Jounel viết : “Khúc ca này không cần giáo dân hát; họ chỉ cần hát câu đáp thôi. Một người hay một ca viên sẽ đứng ở giảng đài đọc hay hát những câu xướng, rồi mọi người cứ chăm chú ngồi nghe. Đừng làm gì để họ có thể bị phân tâm. Tốt nhất cứ để họ nghe, một người đọc hay hát thôi.”

5. Dâng lễ

Có thể nói ngoài các bài hát đã có về Đức Mẹ ra, các bài ca dâng lễ chiếm đa số. Điều này cũng dễ hiểu vì trước Công đồng Va-ti-ca-nô II chỉ có phần này là được hát nhiều bằng tiếng bản quốc thôi, thành ra các nhạc sĩ tập trung sáng tác vào đây khá nhiều. Bây giờ không còn buộc phải hát ca dâng lễ nữa, Nhưng nhiều nơi lại làm long trọng phần này quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát, làm văn nghệ. Thật là vui tai vui mắt, nhưng không hợp phụng vụ, bởi lẽ làm cho người tham dự bị phân tâm, chú ý quá nhiều vào phần phụ thuộc không cần thiết, lại làm cho thánh lễ mất quân bình. Mục đích chính của việc dâng lễ vật là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ trong chức linh mục chung của giáo dân (khác với chức linh mục thừa tác) mà thôi.

6. Bài Thánh Thánh Thánh

Bài này là một bài tung hô mạnh mẽ phấn khởi, được thể hiện trong tư thế thờ lạy kính cẩn, nhấn mạnh đặc biệt khi hát câu “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”

7. Lạy Chiên Thiên Chúa

Đây là bài hát của cộng đoàn dưới hình thức kinh cầu, diễn tả ý nghĩa của nghi thức bẻ bánh. Cử chỉ bẻ bánh có liên hệ đến cuộc thọ hình của Chúa Giê-su. Người như tấm bánh được bẻ ra để phân chia cho mọi người. Sự hy sinh của Người là dành cho mọi người, và ai cũng được thừa hưởng công ơn của việc hy sinh này.

8. Ca hiệp lễ

Bài ca hiệp lễ có thể đi kèm với việc tiến lên rước lễ, bày tỏ mối dây hiệp nhất giữa những người rước lễ và niềm vui trong tâm hồn. Có thể hát đối đáp giữa ca đoàn và cộng đoàn, giữa một xướng ca viên và cộng đoàn hoặc dạo một bài đàn. Cũng không cần phải hát cho đầy trong suốt khoảng thời gian rước lễ. Có thể có những lúc yên lặng, rồi một người nói lên một vài câu lấy từ trong bài Tin Mừng hay các bài sách thánh ngày hôm đó. Lúc này chỉ hát những bài tạ ơn, ca tụng thờ lạy Chúa chứ không hát về Đức Mẹ hay các thánh.

9. Kết lễ

Trong các nhà thờ ở Việt Nam, thường sau lời chúc bình an kết lễ, vẫn có thói quen hát một bài. Bài này có thể bỏ, nếu muốn, và thay vào đó bằng một bản đàn. Có thể hát về Chúa, Đức Mẹ hay các thánh tùy ý. Huấn thị Âm nhạc trong phụng vụ số 35 cũng nói đến bài hát này khi viết : “Trong thánh lễ đọc, có thể hát một vài phần thường lễ hay lễ riêng. Hơn nữa, đôi khi có thể hát một bài khác lúc nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ cũng như kết lễ. Tuy nhiên, nếu chỉ hợp thánh lễ thì chưa đủ, mà còn phải hợp với các phần lễ, ngày lễ hay mùa phụng vụ.”

Nhưng vì câu “lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an” là một câu kết thúc và giải tán, nên phải làm cho người ta thấy tới đây là hết rồi. Vì vậy, nếu có hát thì không nên hát dài và lâu. Tuy là hết nhưng mới hết ở giai đoạn cử hành thôi, còn sau đó là kéo dài trong tinh thần và trong giai đoạn áp dụng. Lễ đã xong, tín hữu ra về bình an với những công việc đời thường của mình, nhưng lại đem vào đó tinh thần và sức mạnh của Lời Chúa và Thánh Thể mình đã lãnh nhận được trong thánh lễ, để giúp mình sống vui tươi phấn khởi và như kéo dài thánh lễ ra trên trần gian vậy.

Trên đây là một vài nét về Phụng vụ ca hát trong thánh lễ, dựa vào các bản văn qui định và những bản văn được phép thích nghi cùng những nhận xét và kinh nghiệm cá nhân của người viết. Các nhà thờ của chúng ta có vui vẻ, sôi nổi, sầm uất ở bên ngoài thật, nhưng về thực chất bên trong, có những điều cần phải suy nghĩ lại. Mà một trong những điều đó là công việc hát xướng. Ca trưởng, ca đoàn không thể làm đúng, làm tốt việc này, nếu không được các cha sở hướng dẫn. Thiết tưởng đó phải là mối bận tâm của những vị có trách nhiệm trong vấn đề này.


Lm An-rê Đỗ Xuân Quế




Thanh-Nhac Forum © calendi.com Go To Top Of Page
Powered By: Snitz Forums 2000 Version 3.4.05